LIÊN KẾT NHANH WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 123

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3409

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 598921

ĐƠN VỊ THIẾT KẾ WEBSITE

ĐƠN VỊ THIẾT KẾ WEBSITE

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức- Sự kiện

Hỏi đáp về đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 22

Thứ hai - 16/01/2017 00:59
1. Có phải Thông tư 22 ra đời sẽ thay thế Thông tư 30? Thông tư 22 được ban hành có gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh tiểu học ở các nhà trường hiện nay?
Hỏi đáp về đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 22

Trả lời: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30 chứ không thay thế Thông tư 30. Do đó, khi Thông tư 22 có hiệu lực (từ ngày 06/11/2016), việc đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo các quy định của Thông tư 30 và những sửa đổi, bổ sung được quy định trong Thông tư 22, thể hiện trong văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28/9/2016 Thông tư đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Thực tế chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua.

Các tư tưởng nhân văn: đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh,… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22.

Trong thời gian Thông tư 22 chưa có hiệu lực, giáo viên vẫn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực (ngày 06/11/2016) cũng chính là thời điểm chuẩn bị cho việc đánh giá giữa học kì I theo kế hoạch thời gian năm học 2016-2017. Do đó, việc ban hành Thông tư 22 sẽ không gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh tiểu học ở các nhà trường.

2. Tại sao việc đánh giá định kỳ đối với từng môn học, hoạt động giáo dục và từng năng lực, phẩm chất lại theo ba mức?

Trả lời: Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh về học tập theo hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. Qua thực tiễn cho thấy việc quy định như vậy phần nào chưa động viên được những học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục ở mức độ tốt, mức cao hơn so với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng. Mặt khác, tâm lí cha mẹ học sinh vẫn còn băn khoăn con mình đã hoàn thành nhưng muốn biết hoàn thành ở mức nào.

Để khắc phục tình trạng trên, Thông tư 22 quy định việc đánh giá định kì đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hoá thành ba mức Hoàn thành tốt, Hoàn thànhChưa hoàn thành. Việc quy định như vậy nhằm xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng để động viên học sinh phấn đấu trong học tập, để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy và học, đồng thời giúp cha mẹ học sinh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình và có biện pháp giúp đỡ để các em tiếp tục vươn lên.

Cùng với mục đích trên, Thông tư 22 quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất học sinh theo ba mức:Tốt, Đạt và Cần cố gắng thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt, Chưa đạt.

Cũng tương tự như đánh giá từng môn học, hoạt động giáo dục, việc lượng hóa thành 3 mức như vậy sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển từng năng lực, từng phẩm chất sau một giai đoạn rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Từ đó giáo viên, nhà trường, cha mẹ học sinh có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế để ngày một tiến bộ hơn.

3. Vì sao phải thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5?

Trả lời: Ở khối lớp 4, lớp 5 cần có thêm bài kiểm tra giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán vì:

- Lớp 4, lớp 5 là các lớp cuối cấp tiểu học. Các khối lớp này so với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 có yêu cầu kiến thức, kĩ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn, tường minh hơn.

- Môn Tiếng Việt và môn Toán ở các khối lớp này là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác.

- Tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn.

4. Quy định về hồ sơ đánh giá và việc ghi chép của giáo viên theo Thông tư 22 có gì thay đổi?

Trả lời:

a) Quy định về hồ sơ đánh giá theo Thông tư 22 có sự thay đổi đáng kể

- Thay vì có 5 loại như trước đây, nay gồm có: Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định mẫu “Học bạ” và “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp” trước khi Thông tư 22 có hiệu lực.

- Đối với Học bạ học sinh đang dùng được tiếp tục sử dụng và có điều chỉnh cho phù hợp với nội dung theo Thông tư 22 (sẽ được hướng dẫn cụ thể trong khi tập huấn).

b) Việc ghi chép của giáo viên

- Trong đánh giá thường xuyên, để có thời gian nhiều hơn dành cho đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh trong quá trình học, thay vì “hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” như trước đây, nay ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện.

- Tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kì, giáo viên ghi kết quả đánh giá vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

- Tại thời điểm cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá học sinh vào Học bạ.

5.  Việc khen thưởng học sinh theo Thông tư 22 có những điểm mới nào?

Trả lời: Thông tư 22 có những điều chỉnh trong nội dung khen thưởng cuối năm học.

Cụ thể như sau:

- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;

Như vậy, tinh thần đổi mới của Thông tư 30 vẫn được tiếp tục kế thừa trong các quy định về khen thưởng trong Thông tư 22 (khen thưởng các học sinh tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá). Song đã quy định rõ ràng hơn về tiêu chí để khen thưởng học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.

Các quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi trong việc khen thưởng học sinh, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh và khắc phục được bệnh thành tích trong giáo dục.


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn