LIÊN KẾT NHANH WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 265

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 5472

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 600984

ĐƠN VỊ THIẾT KẾ WEBSITE

ĐƠN VỊ THIẾT KẾ WEBSITE

Trang nhất » Tin Tức » Khuyến học

Nghệ An: Cậu sinh viên mồ côi bươn chải mưu sinh nuôi ước mơ thành bác sỹ

Thứ tư - 28/03/2018 22:18
Trong căn phòng trọ tuềnh toàng và ẩm thấp ở phía sau Bệnh viện Chấn thương và chỉnh hình, thuộc phường Hưng Dũng (T.P Vinh), Hoàng Thanh Tuấn (SN 1996) kể chúng tôi nghe về cảnh bất hạnh, nghèo đói và khốn khó.

Đã gần hai năm gắn bó với thành phố Vinh, cậu sinh viên Y khoa cảm thấy gần gũi như quê hương thứ hai của mình, bởi nơi đây cậu được nhiều người thương yêu và giúp đỡ.

Tuấn chia sẻ: “Em may mắn khi ra đây học được thầy cô và bạn bè quan tâm giúp đỡ, được chủ nhà trọ cho thuê giá rẻ, những chỗ xin làm thêm luôn được tạo điều kiện. Đó chính là động lực tinh thần giúp em vượt qua những khó khăn, yên tâm với việc học tập”.



Hoàng Thanh Tuấn trong căn phòng trọ cũ và ẩm thấp. Ảnh: Công Kiên


Quê Tuấn ở xã Phúc Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) – vùng quê xưa nay được biết đến bởi sự nghèo khó. Mẹ mất khi Tuấn mới 3 tuổi đầu, em trai lúc ấy mới lẫm chẫm tập đi. Sống cảnh gà trống nuôi con, người bố phải gồng mình lên để kiếm sống và nuôi hai đứa con thơ dại

Làm việc đến kiệt sức, người bố mắc bệnh ung thư và qua đời khi Tuấn mới 11 tuổi, em trai mới lên 9. Từ đây, hai đứa trẻ rơi vào cảnh côi cút, bơ vơ trong căn nhà rách nát và ọp ẹp, thường xuyên chịu cảnh đói rét. Họ hàng nội, ngoại và làng xóm chung tay giúp đỡ nhưng chỉ một phần nhất định, bởi ở đây hầu hết đều sống trong cảnh nghèo.

Tuấn và em trai tên là Hoàng Văn Anh vẫn tiếp tục đến lớp, các khoản chi phí đều được nhà trường miễn, giảm. Sau buổi học, Tuấn đi làm ruộng, trồng ngô, sắn và làm thuê để nuôi hai anh em, gánh nặng mưu sinh đè lên vai cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Sinh ra trong vất vả, thiếu thốn nên không cảm nhận hết những nỗi thiệt thòi, anh em Tuấn chỉ tủi thân khi thiếu vắng sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ. Suốt đời Tuấn không thể quên những đêm mưa gió, bão bùng, ngôi nhà như muốn đổ ập xuống, nước dột tứ phía, sấm chớp liên hồi. Đứa em trai sợ quá, chồm dậy ôm lấy anh mà khóc nức nở.

Thương em, thương cảnh côi cút của mình, Tuấn cũng muốn khóc. Nhưng nếu khóc lúc này, em trai càng thêm sợ nên cậu phải nén lại, dang đôi tay ghì chặt đứa em, làm thành điểm tựa để em bớt sợ. Rồi những lần Hoàng Văn Anh bị cơn đau dạ dày hành hạ, đêm khuya với màn trời đen kịt không biết gọi ai, chỉ biết ngồi xoa bụng cho em bớt đau và chờ trời sáng. Với Hoàng Thanh Tuấn, cậu luôn dặn mình không được ốm, vì ốm không thể đến lớp, lại không có ai chăm sóc, không thể đi làm để nuôi mình và nuôi em.

Những lúc có dấu hiệu ốm, Tuấn thường tìm cách ăn thật no, vận động nhiều để có sức khỏe để át đi bệnh tật. Không biết có phải cách làm này hiệu quả hay vì quen dầm mưa, dãi nắng hoặc trời thương mà cậu rất ít khi bị ốm, nếu ốm thì cũng chỉ thuốc thang vài ngày là đỡ.



Sinh viên y khoa Hoàng Thanh Tuấn tranh thủ nghiên cứu tài liệu sau buổi lên lớp. Ảnh: Công Kiên


Một mình vật lộn với cuộc mưu sinh, tự mình lo liệu các sinh hoạt và thay bố mẹ dạy bảo em trai, vậy mà học lực của Hoàng Thanh Tuấn luôn đạt mức khá, kết quả học tập các năm đều nằm tốp đầu của lớp chuyên. Tốt nghiệp THPT, cậu đăng ký thi vào Học viện Quân y nhưng không may mắn vì thiếu đúng 1 điểm.

Không nản chí, Tuấn quyết định gửi em trai ở cùng bà nội để vào Đà Nẵng làm việc kiếm tiền, vừa nuôi bản thân, gửi về nuôi em và tích cóp chuẩn bị cho kỳ thi năm tới. Một năm ở Đà thành, Tuấn bươn chải với nhiều nghề khác nhau, từ bán hàng, phục vụ quán ăn, phát tờ rơi đến thợ hồ, thợ sơn, thợ chống thấm cậu đều trải qua. Hễ có thời gian rảnh, có công việc thích hợp là làm, không nề hà vất vả, nặng nhọc.

Năm 2016, Hoàng Thanh Tuấn dự thi và trúng tuyển vào Đại học Y khoa Vinh, ước mơ trở thành bác sỹ bước đầu được thỏa nguyện. Hành trang nhập học chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo cũ, một ít tiền tích cóp được, Tuấn cùng người bạn quê Hà Tĩnh tìm thuê căn phòng trọ rẻ nhất. Năm đầu còn có thời gian rảnh, cậu tìm việc làm thêm, chủ yếu làm thợ sơn, phụ hồ và chống thấm để có tiền trang trải việc học.

Những công việc này vô cùng nặng nhọc, luôn trong tình trạng lao lực, thường xuyên hít bụi và mùi độc hại, không hợp với sức lực của một sinh viên. Những hôm đi làm về, ngả lưng xuống giường, ngỡ như không còn đủ sức nhấc mình dậy. Với số tiền ít ỏi, bữa ăn hàng ngày của cậu sinh viên y khoa chỉ có cơm và rau, sang lắm thì mỗi tháng chỉ vài bữa có thêm đậu phụ hoặc cá biển.

Năm trước, trong thời gian nghỉ Tết, Tuấn lại vào Đà Nẵng xin bán hàng để có nguồn thu nhập, trang trải cho học kỳ 2. Năm thứ 2, việc học tập bắt đầu bận rộn, không còn nhiều thời gian rảnh nhưng ngày nghỉ cậu vẫn cố gắng đi làm. May mắn là các tổ thợ hiểu rõ hoàn cảnh, sẵn sàng tạo điều kiện cho cậu làm thêm.



Bữa ăn hàng ngày của Hoàng Thanh Tuấn thường chỉ có cơm và rau, thi thoảng mới có đậu phụ và cá biển. Ảnh: Công Kiên


Kỳ nghỉ Tết vừa rồi, thi xong môn cuối, Tuấn vội vàng bắt xe vào Đà Nẵng để xin bán hàng, hết kỳ nghỉ lại vội vàng trở ra trường cho kịp lịch học. Nghĩa là, hai cái Tết cậu sinh viên mồ côi không được về quê thăm bà, thăm em, không được dọn dẹp nhà cửa và thắp nén hương trước bàn thờ bố mẹ.

Dẫu rất buồn tủi, cảm thấy có lỗi với bố mẹ nhưng vì hoàn cảnh, Tuấn đành chấp nhận và cam chịu. Dưới suối vàng, các bậc sinh thành chắc hẳn đã mở lượng bao dung và phù hộ cho đứa con trai tội nghiệp.

Phía trước vẫn còn 4 năm học tập, học nghề y vừa tốn nhiều thời gian, lại vất vả và bận rộn, chi phí mua sắm tài liệu và các loại dụng cụ phục vụ học tập, thực hành rất cao. Với hoàn cảnh của Hoàng Thanh Tuấn, đó thực sự là những thử thách không nhỏ, nếu không muốn nói là quá sức.

Nhưng với ước mơ cháy bóng là trở thành một bác sỹ giỏi để chữa bệnh cứu người, giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh, và với ý chí được trui rèn từ thơ bé, Tuấn sẽ vượt qua. Bởi xung quanh cậu còn có nhiều người tốt và sẵn sàng giúp đỡ.

Chia tay Hoàng Thanh Tuấn lúc cậu chuẩn bị soạn sửa lên đường vào Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) để tham gia sơn công trình, chúng tôi nắm chặt tay – đôi bàn tay của chàng sinh viên y khoa đầy những vết chai sạn. Đôi bàn tay ấy đã và đang làm bao công việc nặng nhọc để nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sỹ...

Tác giả bài viết: Công Kiên- báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn